- Trang Chủ >>
- Bài Viết >>
- Tổng quan về chữ Hán >>
TỔNG QUAN VỀ CHỮ HÁN
(Sưu tầm)
SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Hán ngữ là một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Hán-Tạng (Sino-Tibetan). Ngữ tộc này còn bao gồm hai nhánh lớn: Tạng-Miến (Tibeto-Burman) và Hán. Ngữ tộc Hán Tạng còn bao gồm các ngôn ngữ Thái và Nê-pal (Nepalese). Còn có một thuyết khác: Hán ngữ là ngôn ngữ độc lập trong đại ngữ tộc Indo-Sinitic. Ngữ tộc này còn bao gồm các ngôn ngữ: Thái, Tây Tạng, Miến Điện (Burmese), Mèo (Miao), Lolo, và các ngôn ngữ nhóm Mon-Khmer.
Tuy Hán ngữ nổi tiếng là một trong các ngôn ngữ cao niên nhất, nhưng chưa ai trả lời được Hán ngữ được bao nhiêu tuổi, vì câu hỏi lớn hơn về nguồn gốc của dân tộc này vẫn chưa giải đáp nổi.
Cứ theo truyền thuyết thì Phục Hi 伏 羲 (một ông vua truyền thuyết) khoảng 3000 năm trước Công Nguyên (= tcn) vì chứng kiến những ký hiệu huyền bí trên lưng con long mã xuất hiện nơi sông Hoàng Hà nên đã truyền một vị đại quan tên là Thương Hiệt 倉頡 tạo ra chữ viết. Cũng theo truyền thuyết, Phục Hi vẽ ra bát quái, coi như tiền thân của chữ viết. Còn Thương Hiệt là hữu sử quan của Hoàng Đế (cũng là ông vua truyền thuyết) chứ không phải của Phục Hi. Lại có một thuyết khác, gọi là «Thương Hiệt tác thư» 倉 頡 作 書 (Thương Hiệt sáng tác chữ viết): Thương Hiệt đã quan sát các hiện tượng thiên nhiên và bắt chước các dấu vết của động vật, cây cỏ, chim chóc, tinh tú mà tạo ra chữ Hán. Thông thường người ta chỉ nhắc đến Thương Hiệt mà bỏ sót Trở Tụng, tả sử quan của Hoàng Đế. Từ điển Từ Hải giảng nơi mục từ Trở Tụng rằng: «Thời của Hoàng Đế, Trở Tụng là quan tả sử, Thương Hiệt là quan hữu sử, cùng tạo ra văn tự; nhưng đời nay nhiều người biết có Thương Hiệt mà ít người biết có Trở Tụng.» (Hoàng Đế thời Trở Tụng vi tả sử, Thương Hiệt vi hữu sử, đồng tác văn tự; đãn kim thế đa tri hữu Thương Hiệt, tiển tri hữu Trở Tụng 黃 帝 時 沮 誦 為 左 史 , 倉 頡 為 右 史 , 同 作 文 字 ; 但 今 世 多 知 有 倉 頡 , 鮮 知 有 沮 誦 ). Từ điển Từ Hải còn trích dẫn Tứ Thể Thư Thế của Vệ Hằng 衛 恆 rằng: «Trở Tụng là sử quan của Hoàng Đế, là người đầu tiên tạo ra thư khế, quản lý vạn sự.» (Trở Tụng, Hoàng Đế sử, thuỷ tác thư khế, kỷ cương vạn sự 沮 誦 , 黃 帝 史 , 始 作 書 契 , 紀 綱 萬 事 ).
Văn tự Trung Quốc là một thành tựu văn hoá quan trọng đến nỗi tương truyền rằng khi hệ văn tự này hoàn thành thì ban đêm thần sầu quỉ khốc, sấm chớp nổi dậy, và ngũ cốc trên trời đổ xuống như mưa. Tất nhiên ngày nay rất hiếm người tin vào điều đó, nhưng sự thần bí hoá thành tựu này chẳng qua là đề cao tính chất quan trọng của nó. Văn tự là thành tựu quan trọng, bởi vì chữ viết và các dụng cụ ghi chép – dao khắc, bút, sơn, mực, lụa, thẻ tre (trúc giản), thẻ gỗ (mộc giản), giấy – đã giúp con người ghi nhớ sự việc trong lao động và sinh hoạt, nhưng quan trọng hơn cả là họ có thể ghi chép được quá khứ của mình cũng như lưu giữ các kiến thức và kinh nghiệm để truyền lại cho hậu nhân. Nhờ đó mà con người có lịch sử thành văn. Những bài học lịch sử và kiến thức cũng như sự minh triết của cổ nhân bao ngàn năm qua đã cải thiện con người hoang dã của hôm qua để thành người văn minh của hôm nay. Giả sử không có văn tự con người hẳn không biết quá khứ dằng dặc bao ngàn năm của mình. Một khi sau lưng chỉ là bóng tối, thì trước mặt hẳn không có triển vọng gì.
Các nhà ngữ học Trung Quốc hiện nay đã bác bỏ thuyết «Thương Hiệt tác thư» 倉 頡 作 書 ấy. Họ cho rằng Thương Hiệt chẳng qua chỉ là hệ thống lại các chữ Hán có sẵn mà thôi. Những khai quật khảo cổ cho thấy chữ Hán cổ xưa nhất là Giáp Cốt Văn 甲骨文 được khắc trên mai rùa và xương thú (giáp = quy giáp 龜 甲 : mai rùa; cốt = thú cốt 獸 骨 : xương thú), xuất hiện từ đời Thương 商 (1766-1122 tcn). Đời Chu 周 (1122-221 tcn) sử dụng chữ Đại Triện 大 篆 . Đời Tần 秦 (221-206 tcn), Tần Thủy Hoàng Đế 秦始皇帝 thống nhất sáu nước, thừa tướng Lý Tư 李 斯 thống nhất văn tự, chữ Tiểu Triện 小 篆 và chữ Lệ 隸 được sử dụng. Các chữ Khải 楷, Hành 行, Thảo 草 được phát triển từ đời Hán 漢 (206 tcn-221 cn) đến đời Tấn 晉 (265-420). Năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền, chủ trương giản hóa văn tự và chữ giản thể được phổ biến cho đến nay tại Hoa Lục.
LƯỢC SỬ HỆ PHIÊN ÂM PINYIN
Việc phiên âm Hán tự đã có tự bao giờ? Trước hết phải kể từ các thừa sai dòng Tên (Jesuit missionaries) xuất hiện ở Trung Quốc cuối thế kỷ XVI. Họ học thông thạo Hán ngữ tại khu vực hải cảng của Macao với lối phiên âm Latin do chính họ sáng chế. Họ rất được trọng vọng ở triều đình Bắc Kinh. Người Trung Quốc dẫu có đánh giá cao cách phiên âm Latin ấy nhưng cũng khó vận dụng được vì thật sự cách phiên âm này chỉ thích hợp cho người Tây phương học Hán ngữ. Sau đó, các mục sư Tin Lành có nhiều cải tiến hơn trong việc dạy dân chúng vùng duyên hải học Hán ngữ bằng cách phiên âm Latin. Nhưng bản thân người Trung Quốc vẫn chưa nỗ lực cải cách các phương thức phiên âm ấy để biến đổi cái văn tự biểu ý (ideographic characters) truyền thống của họ thành một văn tự biểu âm (phonetic script).
Hai thế kỷ sau đó, cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Tây phương đã buộc người Trung Quốc nghĩ đến việc hiện đại hóa, một việc mà Nhật Bản đã tự nguyện tiến hành và đã thành công. Cải cách văn tự càng trở nên bức thiết trước những tiện ích như điện tín, máy đánh chữ, máy in hiện đại, cũng như trước nhu cầu giảng dạy khoa học tự nhiên cho học sinh. Trong khi người Trung Quốc lúng túng với văn tự biểu ý của mình thì người Nhật từ lâu đã nghĩ ra cách dùng hệ thống ký âm gọi là Kana (Giả danh 假名: gồm Phiến giả danh [katakana] 片假名 và Bình giả danh [Hiragana] 平假名song hành với Kanji 漢字 (tức là những Hán tự vay mượn của Trung Quốc đọc theo âm Nhật).
Từ năm 1912 đến 1949 người Trung Quốc đã cố gắng hướng về một quốc ngữ với giản hóa tự. Đáng tiếc những nỗ lực ấy đã bị chựng lại vì những người bảo thủ không muốn văn tự tổ tiên truyền lại bị xuyên tạc cải biên cũng như không muốn tiếng Quan Thoại 官話 (Mandarin) trở thành Quốc Ngữ 國語. Trong thời kỳ này, hệ thống Chú Âm Phù Hiệu 注音符號 ra đời, gồm khoảng 40 ký hiệu chế biến từ một số nét Hán tự, nhưng vẫn chỉ là một cách phiên âm bên cạnh Hán tự truyền thống (tức là chữ phồn thể) chứ không thể đứng độc lập được. Phong trào giáo dục đại chúng những năm 1920 đã đề ra 1000 Hán tự cơ bản để dạy người mù chữ. Đó có phải là khởi điểm cho những người mù chữ để họ phát triển thành 5000 Hán tự sau này, hay đó có phải là một thứ Hán ngữ cơ bản bao quát mọi tình huống viết lách thông thường?
Những nghi tình này dẫn đến phương án Latin hóa Hán tự. Năm 1926 Quốc Ngữ La Mã Tự được khởi thảo và được Bộ Giáo Dục công bố năm 1928. Đặc điểm của Quốc Ngữ La Mã Tự là không dùng những ký hiệu bên ngoài chữ để biểu thị bốn thanh điệu, mà dùng một vài mẫu tự Latin nằm ngay trong chữ. Đây là một hệ thống phiên âm chính xác nhưng khó học khó nhớ vì thế nó cũng dừng lại ở chức năng phiên âm mà thôi chứ không thể tiến xa hơn như là một văn tự riêng biệt.
Khoảng năm 1930, tại Liên Xô một thứ Hán ngữ Latin hóa được chế tác cho người Trung Quốc sống ở Liên Xô. Nó được gọi là Latin thoại 拉丁話 và rồi được phổ biến nhanh chóng tại Trung Quốc, đặc biệt là những khu vực do Cộng Sản kiểm soát. Chính quyền Quốc Dân Đảng vẫn tiếp tục giảng dạy Hán ngữ phồn thể. Tiếng Quan Thoại được chuẩn hóa để trở thành Quốc Ngữ đồng thời Latin thoại được chỉnh lý và cải danh thành Pinyin (Bính Âm) năm 1956. Pinyin được sử dụng khắp nơi như trong trường học, chỗ công cộng, v.v… với niềm hy vọng của nhà cầm quyền là nó sẽ trở thành một ngôn ngữ hẳn hoi. Đầu năm 1956, Hội đồng Chính phủ Bắc Kinh đưa ra một danh sách gồm 515 Hán tự giản thể, coi như bước đầu của một phương án giản hóa toàn diện. Chính quyền Đài Loan hết sức khó chịu thứ giản thể tự này và nghiêm cấm các văn hóa phẩm du nhập từ Trung Quốc vào Đài Loan không chỉ vì lý do chính trị mà còn vì e ngại sự phổ biến giản thể tự.
Xét về mặt ngữ học, tiếng Quan Thoại chỉ là một phương ngữ (a regional speech dialect). Cho dù được chấp nhận làm Quốc Ngữ nhưng nó chưa thể giải quyết những khó khăn lâu đời giữa khẩu ngữ hằng ngày với ngôn ngữ văn chương. Từ khoảng thế kỷ XII một số tác phẩm văn học chủ yếu là tiểu thuyết và ca kịch đã được viết bằng một văn phong bình dân giản dị. Giới nho sĩ và quan chức thường khinh miệt (hoặc giả vờ khinh miệt) các sản phẩm ấy vì văn ngôn 文言 mới là ngôn ngữ bắt buộc trong giới sĩ phu và quan trường, một ngôn ngữ mà người bình dân ít học không tài nào hiểu được. Người ta ngờ rằng việc duy trì sự khu biệt giữa khẩu ngữ bình dân (bạch thoại 白話) với văn ngôn dường như là một phương thức để bảo vệ giai cấp (a means of class protection) mặc dầu họ chẳng trưng dẫn được chứng cớ gì.
Mãi đến cuối Đệ Nhất Thế Chiến phong trào cách mạng văn học xảy ra, kêu gọi hãy lấy tiểu thuyết với văn phong bình dân giản dị làm mực thước và khuyến khích sử dụng bạch thoại trong việc viết lách. Về sau những người Cộng Sản hết sức ủng hộ phong trào này và cải danh bạch thoại thành phổ thông thoại 普通話 với giản thể tự 簡体字 và dùng song hành với Pinyin.
Như vậy, Pinyin có một quá trình phát triển khá dài, bắt đầu từ Latin thoại – một hệ thống được chế tác và phổ biến ở vùng cực Đông Liên Xô khoảng năm 1930 – rồi khoảng 4 năm sau được chấp nhận ở Trung Quốc với tên Tân văn tự 新文字. Quốc Dân Đảng phớt lờ Pinyin, nhưng Pinyin hết sức phổ biến ở vùng Tây Bắc Trung Quốc do Cộng Sản kiểm soát. Năm 1952 một ủy ban được thành lập để nghiên cứu cải cách văn tự. Đến năm 1958, Pinyin trở thành hệ thống phiên âm chính thức của Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc.
SƠ LƯỢC CHỮ GIẢN THỂ
1. Khái quát
Bên cạnh Hán ngữ Latin hóa là Hán ngữ giản hóa (simplified Chinese characters). Sự giản hóa (simplification) có ưu điểm giúp việc viết chữ mau hơn vì giản lược số nét bút của những chữ nhiều nét, như chữ long 龍 (16 nét) giản thành 龙 (5 nét), chữ dụ 籲 (32 nét) giản thành 吁 (6 nét). Tuy nhiên người ta ngờ rằng mục đích của sự giản hóa nhằm vào phương diện chính trị hơn là phương diện ngữ học, bởi vì nhiều vấn đề ngữ học đã nảy sinh từ việc giản hóa này.
Thực chất sự giản hóa này cũng chẳng mới mẻ gì vì tự ngàn xưa người Trung Quốc đã biết cách giản lược số nét bút của chữ Hán, và tạo ra một thư thể gọi là thảo thư 草書 bao gồm chương thảo 章草, kim thảo 今草 và cuồng thảo 狂草 với các đại thư gia tiêu biểu như Trương Chi 張芝, Trương Húc 張旭, Hoài Tố 懷素 , và đặc biệt là thảo thánh nhị vương 草聖二王 tức cha con Vương Hi Chi 王羲之 và Vương Hiến Chi 王獻之. Thảo thư của nhị Vương đã trở thành chuẩn mực cho thế nhân nghiên tập kể từ đời Đông Tấn (317–420) đến nay và gọi là chương thảo 章草. Trương Húc và Hoài Tố được gọi là cuồng thảo nhị tuyệt 狂草二絕 hay điên Trương túy Tố 顛張醉素 (Trương Húc điên, Hoài Tố say). Nhưng thảo thư chỉ là một thư thể mang tính cách nghệ thuật và mức độ sử dụng cũng chỉ trong phạm vi giao tiếp thân quen (informal communication). Hầu hết trong công văn chứng từ người ta không được phép dùng thảo thư, mà phải dùng khải thư 楷書 còn gọi chữ chân 真. Như vậy giản thể tự hiện đại và chữ thảo truyền thống có những dị biệt như sau:
* Giản thể tự được dùng chính thức và có tính bắt buộc tại Hoa Lục trong mọi giao dịch giấy tờ, công văn, chứng từ, trong học đường, nơi công cộng, và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ xưa đến nay thảo thư không được dùng với cách thức như trên, mà chỉ dùng trong thư từ thân mật, các tư liệu cá nhân, và chủ yếu là trong các tác phẩm thư pháp. Hiện nay không phải người Trung Quốc nào cũng đọc được chữ thảo.
* Người Trung Quốc kế thừa nguyên tắc của chữ thảo nhưng sáng tạo ra chữ giản thể gần như khác hẳn chữ thảo. Tuy vậy ta có thể thấy một số nét của giản thể tự là vay mượn ở chữ thảo, như bộ phận (讠) bên trái chữ ngữ 语 chính là một thảo phù 草符 thay cho ngôn 言, túc 足, thần 臣, thất (sơ) 疋, vân 云, vong 亡 nhưng trong chữ giản thể nó chỉ thay cho ngôn 言 mà thôi. Chữ dữ 与 giản thể chính là vay mượn từ chữ thảo của dữ 與 phồn thể .
* Chữ giản thể ước chừng 1000 chữ nhưng mỗi chữ Hán đều có chữ thảo riêng.
* Mỗi chữ thảo cố gắng gói gọn trong một nét, nhất là cuồng thảo, nhưng chữ giản thể ít nét nhất là 2 nét và có 5 chữ là: xưởng 厂 (廠), bặc 卜 (蔔), nhi 儿 (兒) , kỷ 几 (幾), và liệu 了(膫).
2. Nguyên tắc giản hóa Hán tự
Muốn nhận dạng giản thể nhanh và tương đối chính xác, ta cần nhớ nguyên tắc giản hóa như sau:
Giản hóa dựa trên sự đồng âm: Như chữ lý 里 /lĭ/ (dặm) phồn thể được dùng để giản hóa chữ lý 裏 (ở trong) trên cơ sở đồng âm. Tương tự, chữ diện 面 /miàn/ (mặt) phồn thể cũng là giản thể của miến 麵; chữ hậu 后 /hòu/ (hoàng hậu) phồn thể cũng là giản thể của hậu 後(phía sau).
Giản hóa dựa vào sự hội ý: Hội ý 會意 là một trong sáu cách tạo chữ (lục thư 六書) mà Hứa Thận 許慎 định nghĩa: «Tỉ loại hợp nghị, dĩ kiến chỉ huy.» 比類合誼以見指撝 (so sánh các loại cho hợp nhau mà chỉ ra ý nghĩa). Như chữ chiêm 占 gồm khẩu 口 (miệng) và bốc 卜 (bói), hợp nghĩa là bói xem lành dữ. Dựa vào sự hội ý, chữ bảo 寶 nghĩa là quý báu được giản hóa thành 宝, gồm miên 宀 và ngọc 玉, ngụ ý trong nhà có ngọc tức là có của báu hay sự quý báu.
Giản hóa dựa vào sự hài thanh: Hài thanh 諧聲 còn gọi là hình thanh 形聲 cũng là một cách khác của lục thư mà Hứa Thận định nghĩa là: «Dĩ sự vi danh, thủ thí tương thành.» 以事為名取譬相成 (lấy sự làm tên, lấy thí dụ mà thành). Chữ cấu tạo bằng hình thanh hay hài thanh gồm một bộ phận chỉ nghĩa và một bộ phận chỉ âm, như chữ mộc 沐 /mù/ (tắm gội) lấy thủy 氵 chỉ nghĩa và mộc 木 /mù/ chỉ âm. Chữ ưu 優 /yōu/ (ưu tú) có bộ phận chỉ âm là ưu 憂 /yōu/ (ưu sầu) và đồng âm với vưu 尤. Ưu 憂 giản hóa thành 忧 nên 優 giản hóa thành 优.
Giản hóa bằng cách bỏ bớt một số nét: Như điện 電 (điện) giản thành 电, khai 開 (mở ra) giản thành 开. Vân 雲 (mây) giản thành 云. Chữ có những thành phần giống nhau như trùng 蟲 (côn trùng) giản thành 虫, ngoại trừ chữ tinh 晶, sâm 森, phẩm 品, v.v…
Giản hóa bằng cách thay một nhóm nét bằng một vài nét: Như đoạn 斷 (cắt đứt), biên 邊 (biên giới), loạn 亂 (hỗn loạn) và lao 勞 (lao động) giản thành 断, 边, 乱, và 劳.
Giản hóa bằng cách tạo một phù hiệu thay cho nhiều nhóm nét khác nhau: Như phù hiệu 又 thay cho bộ phận bên trái của các chữ 鄧 (đặng: họ Đặng), 雞 (kê: gà), 戲 (hí: giỡn), 難 (nan: khó), 勤 (khuyến: khuyên bảo), 對 (đối: đúng, đối xứng) để có các giản thể tự 邓, 鸡, 戏, 难, 劝, 对. Phù hiệu 又 còn thay 鳥 (điểu: chim) và 堇 (cẩn: rau cần) trong chữ phụng 鳳 (chim phượng) và cận 僅 (chỉ có, nhưng) để giản thành 凤 và 仅.
Giản hóa bằng cách tạo hẳn chữ mới thật ít nét: Như linh 靈 (linh thiêng) và thể 體 (hình thể) bị thay thế bằng 灵 và 体.
3. Sự bất toàn của chữ Giản thể
Chẳng có một hệ thống văn tự nào mà không có sự bất toàn. Cho nên giản thể tự vẫn không tránh khỏi sự bất toàn dù rằng số lượng chữ chẳng có bao nhiêu. Sự giản hóa nảy sinh những khiếm khuyết và sự thiếu nhất quán của giản thể tự:
Vấn đề giả tá: Giả tá là rắc rối cố hữu của Hán tự mà Hứa Thận định nghĩa: «Giả tá giả, bản vô kỳ tự, y thanh thác sự.» 假借本無其字依 聲托事 (Giả tá là vốn chưa có chữ nhưng dựa vào âm thanh để gởi sự). Học giả đời Thanh là Du Việt 俞樾 từng cảnh giác rằng: «Độc cổ nhân thư, bất ngoại hồ chính cú đậu, thẩm tự nghĩa, thông cổ văn giả tá. Nhi tam giả chi trung, thông giả tá vưu yếu.» 讀古人書不外乎正句讀審字義通古 文假借而三者之中通假借尤要 (Đọc sách người xưa [cần chú ý] không ngoài [ba điều]: Đọc đúng [phạm vi] câu văn [tức là ngắt câu cho đúng bởi cổ văn viết không chấm câu, gọi là bạch văn 白文], tra xét đúng nghĩa chữ, và tinh thông chữ giả tá trong cổ văn. Trong ba điều ấy, tinh thông giả tá là tối quan trọng). Trong cổ tịch, đặc biệt là cổ tịch thời Tiên Tần Lưỡng Hán, hiện tượng giả tá xuất hiện đầy rẫy. Không thông thạo giả tá thì người đọc sẽ hiểu sai tự nghĩa. Kinh Dịch nơi quẻ Càn có câu 現龍在田 mà các nhà chú giải đều đồng ý chữ 現 hiện phải đọc là 見 kiến. 現 là giả tá tự của 見. Bản nghĩa của 見 là nhìn thấy và nó là giả tá nghĩa của 現. Bản kinh Dịch hiện hành còn ít chữ giả tá so với bản Bạch Thư Chu Dịch 帛書周易 (Chu Dịch viết trên lụa) mà người ta khai quật được ở ngôi Hán mộ số 3 tại Mã Vương Đôi 馬王堆 thuộc Trường Sa 長沙 (tỉnh Hồ Nam 湖南, Trung Quốc) năm 1972-1974. Trong Luận Ngữ và Mạnh Tử ta còn thấy 說 là giả tá tự của 悅 và 由 là giả tá tự của 猶. Sơ lược về giả tá như trên để ta thấy rằng việc giản hóa tự trên cơ sở đồng âm đã sinh sôi thêm hiện tượng giả tá trong Hán ngữ hiện đại. Rõ ràng, 后 (hậu: hoàng hậu), 面 (diện: mặt), 里 (lý: dặm) là giả tá tự của 後 (hậu: sau), 麵 (miến: bánh mì, mì), 裏(lý: bên trong). Xét về mặt ngữ nghĩa học (semantics) mỗi chữ (tự 字) có ba yếu tố hình 形 âm 音 nghĩa 義 để khu biệt nhau. Thực chất có chữ lại đa hình, đa âm, và đa nghĩa vốn dĩ gây rối loạn cho người học thế mà sự giả tá ở giản thể tự lại làm nhoè đi thêm cái ranh giới hình và nghĩa của chữ khiến người học càng thêm loạn tâm rối trí.
Thiếu nhất quán: Giản thể tự bộc lộ sự thiếu nhất quán như sau:
* Nói chung ta có thể phỏng đoán chữ giản thể chưa biết nhờ một số chữ giản thể đã biết. Như 貝 (bối), 見 (kiến), 頁 (hiệt), 門 (môn), 車 (xa), 馬 (mã), 鳥 (điểu), thường giản thành 贝, 见, 页, 门, 车, 马, 鸟 cho dù đứng riêng thành chữ hoặc là bộ phận của một chữ. Ta đã biết 又 thay cho một bộ phận của các chữ 鄧 (đặng), 雞 (kê), 戲 (hí), 難 (nan), 勤 (khuyến), 對 (đối) để có các giản thể tự 邓, 鸡, 戏, 难, 劝, 对. Nhưng 又 lại không dùng thay cho 登 trong những chữ 凳, 澄, 磴, 瞪, 蹬, 簦, 鐙, đặc biệt 燈 thì giản thành 灯. Yếu tố 又 còn thay 堇 trong chữ 僅 để giản thành 仅 trừ các chữ 謹, 蓳, 瑾, 饉, 槿, 廑, 勤, 覲, 斳, 螼.
* Bộ phận chỉ âm 咼 giản thành 寸 hoặc 呙 hoặc giữ nguyên. Các chữ 過, 撾 giản thành 过, 挝; các chữ 渦, 窩, 蝸, 萵, 禍 giản thành 涡, 窝, 蜗, 莴, 祸; nhưng 騧, 緺 không giản gì cả.
* Ngược lại, một ký hiệu có thể thay cho nhiều nhóm nét như bộ phận bên trong các chữ 區, 風, 岡, 鹵 bị thay bằng ký hiệuㄨ để có các chữ giản thể là 区, 风, 冈, 卤.
* Bộ phận chỉ âm /o/ hay /u/ ở bên phải của các chữ 補, 僕, 撲 bị giản thành 卜 để được 补, 仆, 扑 vậy mà bộ phận chỉ âm trong các chữ 匍, 埔, 蒲, 濮, 璞 thì không bị giản.
* Chữ 親 giản thành 亲 nhưng chữ 襯 giản thành 衬.
* Các chữ 陽, 楊, 揚, 湯, 傷 có bộ phận chỉ âm (ở bên phải) giống nhau nhưng giản khác nhau: 阳, 杨, 扬, 汤, 伤.
Vấn đề bộ thủ: Bộ thủ là một yếu tố quan trọng của Hán tự, giúp việc tra cứu tương đối dễ dàng vì nhiều chữ được gom thành nhóm có chung một bộ thủ. Từ đời Hán, Hứa Thận phân loại chữ Hán thành 540 nhóm hay còn gọi là 540 bộ. Thí dụ, những chữ 論 (luận), 謂 (vị), 語 (ngữ) đều liên quan tới ngôn ngữ, lời nói, đàm luận v.v… nên được xếp chung vào một bộ, lấy 言 (ngôn: nói) làm bộ thủ. Đến đời Minh, Mai Ưng Tộ 梅膺祚 xếp gọn lại còn 214 bộ thủ và được dùng làm chuẩn cho đến nay. Phần lớn các bộ thủ của 214 bộ đều là chữ tượng hình và hầu như dùng làm bộ phận chỉ ý nghĩa trong các chữ theo cấu tạo hình thanh (hay hài thanh). Mỗi chữ hình thanh gồm bộ phận chỉ ý nghĩa (hay nghĩa phù 義符) và bộ phận chỉ âm (hay âm phù 音符). Đa số Hán tự là chữ hình thanh, nên tinh thông bộ thủ là một điều kiện thuận lợi tìm hiểu hình-âm-nghĩa của Hán tự. Tuy nhiên 214 bộ truyền thống này cũng có những điều bất hợp lý, và vài hệ thống bộ thủ cải cách đã ra đời chẳng hạn 132 bộ thủ của Lục Y Ngôn 陸衣言 và Giang Trọng Quỳnh 江仲瓊 phân loại Hán tự theo nét hay nhóm nét đầu tiên nên sự tra cứu rất nhanh chóng. Sự giản hóa Hán tự gây thêm rắc rối về bộ thủ:
* Bộ thủ bị thay đổi: 寫 (tả: viết; bộ 宀) giản thành 写 (bộ 冖) 護 (hộ: giúp; bộ 言) giản thành 护 (bộ 扌).
* Bộ thủ bị bỏ bớt: 電 (điện: điện lực) giản thành 电; 殺 (sát: giết) giản thành 杀; 術 (thuật: cách thức) giản thành 术.
* Bộ thủ cùng với vài nét khác bị bỏ bớt: 聲 (thanh: âm thanh) giản thành 声; 從 (tòng: theo) giản thành 从; 滅 (diệt: tiêu diệt) giản thành 灭.
* Bộ thủ mất vì trọn chữ bị thay trọn: 備 (bị: đầy đủ; bộ亻) giản thành 备; 農 (nông: nghề nông; bộ 辰) giản thành 农; 歲 (tuế: năm; bộ 止) giản thành 岁; 買 (mãi: mua; bộ 貝) giản thành 买; 關 (quan: quan hệ; bộ 門) giản thành 关.
Vậy thì sự giản hóa đã phớt lờ bộ thủ, nhưng hậu quả là người ta lúng túng khi tra một chữ mới mà không biết âm và nghĩa. Hầu hết các tự điển hay từ điển Hán ngữ tại Hoa Lục đều xếp các mục tự (entries) theo âm pinyin. Nếu không biết âm pinyin thì người tra đành chịu thua. Để gỡ rối, người soạn tự điển hay từ điển phải đính thêm các bảng tra theo tổng số nét, hoặc tra theo nét bút đầu tiên, và sau cùng phải miễn cưỡng kèm thêm bảng tra theo bộ thủ khoảng 189 bộ và rất khác với bảng tra 214 bộ truyền thống. Ngoài ra việc đếm nét của bộ thủ dễ bị lầm, như bộ thảo 艹 cũ đếm là 4 nét thì bộ thảo 艹 mới kể là 3 nét. Rồi tự điển hay từ điển cũng phải tra được cả giản thể lẫn phồn thể nên diệp (lá cây) giản thể 叶 thì cho vào bộ khẩu 口 còn diệp phồn thể 葉 thì cho vào bộ thảo 艹.
Nói gọn, việc giản hóa Hán tự có cả ưu lẫn khuyết. Nhưng con người còn chưa hoàn hảo được thì một sản phẩm do con người tạo tác cũng chỉ là hướng về sự hoàn hảo mà thôi. Thói quen và sự nhẫn nại sẽ giúp ta tinh thông hai thể giản và phồn.
LƯỢC SỬ CHỮ GIẢN THỂ
Sự giản hóa (simplification) chữ Hán do Nhà nước Trung Quốc tích cực đề ra ngay từ khi cầm quyền năm 1949 và chính thức công bố Hán Tự Giản Hóa Phương Án 汉字简化方案 vào tháng giêng năm 1956.
Thực tế, giản hóa Hán tự là một quá trình tiệm tiến từ lâu đời. Những chữ Hán giản hóa thường gọi là phá thể 破体, tiểu tả 小写, giản thể tự 简体字, giản dị tự 简易字, giản tự 简字, thủ tả tự 手写字, tục thể tự 俗体字, v.v… đối ứng với chữ nguyên thể đầy đủ nét là phồn thể tự 繁体字. Chữ giản thể đã xuất hiện trước thời Nam Bắc Triều 南北朝 (420-581); đến đời Đường 唐 (618-907) và Tống 宋 (960-1279) thì dần dần tăng thêm và phần lớn lưu hành trong dân gian. Trong các tác phẩm thư pháp cổ đại, những bia khắc, ván khắc in khai quật được, và trên mặt các chuông đồng cổ đại người ta có thể thấy lác đác một vài chữ giản thể thông thường như: sư 师, vạn 万, quốc 国, vân 云, lễ 礼, khí 气, môn 门, vi 为, bảo 宝, la 罗, lưu 刘, hoan 欢, nan 难, tề 齐, đương (đang)当, hội 会, phong 风, loạn 乱, biện 办, thính 听, tòng 从, chúng 众, vô 无, v.v…
Như vậy từ giáp cốt văn 甲骨文 cho đến chữ khải 楷 mà ngày nay chúng ta đang dùng, xu hướng diễn biến của Hán tự hơn 3000 năm qua là từ phức tạp đến giản dị. Bảng chữ giản thể hiện hành do Nhà nước Trung Quốc quy định chẳng qua là kết quả của sự hệ thống, chỉnh lý và bổ sung các chữ giản thể đã lưu hành từ lâu trong dân gian.
Những năm Dân Quốc đầu tiên, một số học giả như Lục Phí Quỳ 陆费逵, Tiền Huyền Đồng 钱玄同, Lục Cơ 陆基, Lê Cẩm Hy 黎锦熙, Dương Thụ Đạt 杨树达, Trần Hạc Cầm 陈鹤琴, Hồng Thâm 洪深, Trần Vọng Đạo 陈望道, v.v… đã đề xướng dùng chữ giản thể vì sự tiện lợi của nó. Tháng 8 năm 1935, Bộ Giáo Dục của chính phủ Quốc Dân Đảng (国民党政府教育部) công bố một bảng kê các chữ Hán giản thể gọi là Đệ nhất phê giản thể tự biểu 第一批简体字表 gồm 324 chữ. Đây là lần thứ nhất chữ giản thể được chính thức ban hành. Nhưng giới văn nhân học giả cực lực phản đối chữ giản thể cho nên tháng 2 năm 1936 bảng kê chữ giản thể bị phế bỏ sau 6 tháng ban hành. Tuy nhiên trong dân gian nhiều người vẫn thích dùng chữ giản thể để viết chữ cho nhanh. Trong thời chiến tranh kháng Nhật, khu vực giải phóng do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo, chữ giản thể được lưu hành và nhiều chữ mới được tạo thêm.
Đến năm 1949, khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa thành lập, Đảng và chính phủ càng coi trọng công tác giản hóa Hán tự, nên đề ra phương án giản hóa chữ Hán gọi là Hán tự giản hóa phương án 汉字简化方案. Năm 1950, Ty Giáo Dục Xã Hội thuộc Bộ Giáo Dục của Chính Phủ Nhân Dân Trung Ương (中央人民政府教育部社会 教育司) biên soạn Thường dụng giản thể tự đăng ký biểu 常用简体字登记表 gồm 555 chữ Hán giản thể thông dụng. Sau khi trưng cầu dân ý, năm 1951 chính phủ ban hành một bảng kê các chữ Hán giản thể gọi là Đệ nhất phê giản thể tự biểu 第一批简体字表 gồm 555 chữ (khác với bảng kê trước đây vào năm 1935 của Bộ Giáo Dục thuộc chính phủ Quốc Dân Đảng, chỉ có 324 chữ).
Ngày 5 tháng 2 năm 1952, Trung Quốc văn tự cải cách nghiên cứu ủy viên hội 中国文字改革研究委员会 được thành lập. Trên cơ sở Đệ nhất phê giản thể tự biểu 第一批简体字表 , tổ chức này đã nhiều lần thảo luận và tu sửa, để rồi đến năm 1954 một phương án dự thảo được đưa ra gọi là Hán tự giản hóa phương án (thảo án) 汉字简化方案(草案) bao gồm ba điểm: 1. Dự thảo 798 chữ giản thể; 2, Đề nghị phế bỏ 400 chữ dị thể 异体字; 3. Dự thảo giản hóa các chữ Hán thiên bàng 偏旁 (tức là chữ Hán làm bộ phận đứng một phía của chữ).
Tháng 12 năm 1954, Trung Quốc văn tự cải cách ủy viên hội 中国文字改革委员会 (trực thuộc Quốc Vụ Viện 国务院) được thành lập để chuyên trách công tác giản hóa Hán tự (tổ chức này đến ngày 16 tháng 12 năm 1985 thì đổi tên là Quốc gia ngữ ngôn văn tự công tác ủy viên hội 国家语言文字工作委员会). Ngày 13 tháng 7 năm 1955, Quốc Vụ Viện thành lập Hán tự giản hóa phương án thẩm đính ủy viên hội 汉字简化方案审订委员会 để đánh giá phương án giản hóa chữ Hán. Tháng 9 năm 1955, Trung Quốc văn tự cải cách ủy viên hội 中国文字改革委员会 đề xuất một bản tu chính thảo án, trong ba điểm nêu ra trước đây thì bỏ hai điểm sau, còn điểm thứ nhất (là đề nghị 798 chữ Hán giản thể) nay rút xuống còn 512 chữ, ngoài ra thêm 56 chữ Hán thiên bàng 偏旁.
Từ ngày 15 đến 23 tháng 10 năm 1955, Trung Quốc văn tự cải cách ủy viên hội và Bộ Giáo Dục liên kết mở ra hội nghị toàn quốc về cải cách văn tự (gọi là Toàn quốc văn tự cải cách hội nghị 全国文字改革会议) để thảo luận và tu chính thảo án. Kết quả là 512 chữ giản thể tăng lên là 555 chữ và 56 chữ Hán thiên bàng 偏旁 giảm xuống còn 54 chữ.
Sau khi có được sự thẩm định và hiệu đính của Hán tự giản hóa phương án thẩm đính ủy viên hội, ngày 28 tháng 01 năm 1956 Quốc Vụ Viện đã mở hội nghị khoáng đại lần thứ 23 để thông qua Hán tự giản hóa phương án. Ngày 31 tháng 01 năm 1956, Nhân Dân Nhật Báo đăng nghị quyết của Quốc Vụ Viện về việc công bố Hán tự giản hóa phương án (nhan đề bài báo là: Quan vu công bố «Hán tự giản hóa phương án» đích quyết nghị 关于公布 «汉字简化方案的» 决议) đồng thời đăng Hán tự giản hóa phương án 汉字简化方案 gồm 555 chữ giản thể và 56 chữ Hán thiên bàng.
Tháng 5 năm 1964, Trung Quốc văn tự cải cách ủy viên hội xuất bản Giản hóa tự tổng biểu 简化字总表, gồm ba bảng biểu: Biểu 1 gồm 352 chữ giản hóa không làm bộ phận thiên bàng cho chữ khác; biểu 2 gồm 132 chữ hoặc đứng riêng hoặc làm bộ phận thiên bàng cho chữ khác và 14 chữ chỉ làm thiên bàng; bảng 3 gồm 1754 chữ khai triển từ bảng 2. Như vậy tổng biểu có 2238 chữ giản thể.
Trong thời Cách mạng Văn hóa (thường gọi là Văn Cách 文革), Trung Quốc văn tự cải cách ủy viên hội buộc phải đình chỉ, đến năm 1972 mới khôi phục công tác. Tháng 5 năm 1975, tổ chức này đề ra một thảo án mới gọi là Đệ nhị thứ Hán tự giản hóa phương án (thảo án) 第二次汉字简化方案(草案), gởi cho Quốc Vụ Viện thẩm duyệt. Sau đó, ngày 20 tháng 5 năm 1977, tổ chức này lại gởi tiếp một báo cáo để xin ý kiến nói về thảo án trên, nhan đề: Quan vu «đệ nhị thứ Hán tự giản hóa phương án (thảo án)» đích thỉnh thị báo cáo 关于 «第二次汉字简化方案(草案)» 的请示报告.
Ngày 31 tháng 10 năm 1977, Quốc Vụ Viện chỉ đạo cho đăng tải đệ nhị thứ Hán tự phương án (thảo án) này trên các nhật báo của tỉnh, thành, khu tự trị để trưng cầu ý kiến của quảng đại quần chúng, của các giới công, nông, binh và nhân sĩ. Nhưng thảo án 2 này không được nghiên cứu chu đáo và do đó bị phản đối kịch liệt. Thí dụ: Chữ vũ 舞 giản thành 午 (ngọ), khiến vũ hội 舞会 bị hiểu nhầm là ngọ hội 午会 (hội nghị lúc trưa) bởi vì cả hai đều pháy ấm là /wǔhùi/; chữ linh 齡 (trong niên linh 年齡: tuổi tác) giản thành 令 (lệnh), khiến quân linh 軍齡 (tuổi lính) /jūnlíng/ dễ bị hiểu nhầm là quân lệnh 军令 /jūnlìng/, chữ bang 幫 (trong bang trợ 幫助, bang phái 幫派) giản thành bang 邦 (đồng nghĩa với quốc 國); ba chữ phó 副, phó 傅, phụ 腐 (trong phó thực 副食, phó nghiệp 副業, phó chức 副職, sư phó 師傅, đậu phụ 豆腐) đều giản thành phó 付; chữ đình 停 (trong đình chỉ 停止) giản thành 仃 (đinh), nhầm với đinh trong linh đinh 伶仃; v.v…
Thảo án 2 gây thêm hỗn loạn trong chữ Hán. Do đó ngày 4 tháng 3 năm 1978, các học giả Vương Lực 王力, Hồ Dũ Chi 胡愈之, Chu Hữu Quang 周有光 và 20 học giả nổi tiếng khác đã yêu cầu Quốc Vụ Viện phế bỏ thảo án 2. Mãi đến ngày 24 tháng 6 năm 1986, Quốc Vụ Viện ra thông tri phế bỏ thảo án 2.
Sau khi thảo án 2 bị phế bỏ, chữ giản thể vẫn bị dùng hỗn loạn, ngoài những chữ được quy định, dân gian còn tự sáng tạo thêm chữ mới rất tùy tiện. Cho nên vào các ngày 27 tháng 3, 01 và 10 tháng 4 năm 1978, Quốc gia ngữ ngôn văn tự công tác ủy viên hội liên tiếp phát ba thông tri: 1/. thông tri quy định viết các địa danh; 2/. thông tri quy định sử dụng chữ Hán trên truyền hình, radio, trong điện ảnh; 3/. thông tri quy định sử dụng chữ Hán trên các bảng hiệu tiệm buôn, bảng hiệu công ty, thương tiêu, bao bì sản phẩm, quảng cáo.
Ngày 24 tháng 6 năm 1986, Quốc Vụ Viện ra thông tri yêu cầu các nhật báo lớn như Nhân Dân Nhật Báo 人民日报, Quang Minh Nhật Báo 光明日报 đăng lại Giản hóa tự tổng biểu 简化字总表. Ngày 10 tháng 10 năm 1986, Quốc gia ngữ ngôn văn tự công tác ủy viên hội điều chỉnh lại Giản hóa tự tổng biểu năm 1964, và tổng biểu mới gồm có 2235 chữ.
Ngày 26 tháng 01 năm 1988, Quốc gia ngữ ngôn văn tự công tác ủy viên hội và Quốc gia giáo dục ủy viên hội công bố Hiện đại Hán ngữ thường dụng tự biểu 现代汉语常用字表 gồm 3500 chữ Hán thường dùng hiện nay, trong đó có 1116 chữ giản hóa (chiếm 31.9 %).
(Sưu tầm từ internet)